FPT đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam

Đăng ngày24/05/2024- bởi Sim Doanh Nhân

“FPT đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam” Ông Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys Technologies cho rằng với nguồn lực sẵn có cùng sự may mắn, FPT sẽ sớm chạm cột mốc 2 tỷ USD doanh thu, tại buổi gặp gỡ với ông Trương Gia Bình và giới công nghệ Việt, chiều 20/5.

Vì sao FPT lại đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam

Buổi trò chuyện giữa tỷ phú Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys Technologies, người được ví như “Bill Gates của Ấn Độ” và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã diễn ra tại F-Ville 3, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Murthy từ ngày 19/5 đến ngày 23/5.

Tại sự kiện, “huyền thoại” ngành công nghệ thông tin Ấn Độ đánh giá Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á, có thể tạo ra doanh nghiệp dịch vụ phần mềm như FPT. “FPT nói riêng và Việt Nam nói chung là ‘độc nhất vô nhị”, vị tỷ phú Ấn Độ khẳng định, thêm rằng, những năm đầu thành lập, các nhà sáng lập FPT đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo tuyệt vời cũng như một chút may mắn, tập đoàn này đã vươn lên, đạt nhiều thành công.

Cá nhân ông tin tưởng FPT cũng như Việt Nam không có đối thủ, không quốc gia nào có thể dũng cảm và có khát vọng như vậy. “Với nguồn lực hiện tại và sự may mắn, FPT sẽ bước tới cột mốc 2 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài nhanh hơn so với cột mốc một tỷ USD đầu tiên. Infosys mất 23 năm từ 1981 đến 2004 để đạt được tỷ đô la đầu tiên, 23 tháng để đạt được 2 tỷ USD và 11 tháng để đạt được 3 tỷ USD. “Tôi rất tin tưởng vào FPT và Việt Nam. Quyết tâm của các bạn là không ai sánh kịp. Không một quốc gia nào khác thể hiện được lòng dũng cảm, khát vọng như các bạn đã thể hiện. Chúng tôi tin rằng, chúng tôi làm được, các bạn cũng làm được”, ông chủ Infosys nhấn mạnh.

Trước đó, năm 2023, sau 24 năm toàn cầu hóa, FPT đạt cột mốc một tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài. Hồ sơ khách hàng của tập đoàn lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Khách hàng này có trụ sở tại Mỹ, là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ôtô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, vận hành.

Ông Narayana Murthy nói thêm FPT đang và sẽ góp phần đáng kể vào tương lai tăng trưởng của Việt Nam.

Trong khuôn khổ buổi trò chuyện, vị tỷ phú Ấn Độ chia sẻ bí quyết khởi nghiệp thành công, cũng như kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp. Ông cho biết, ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu từ mong muốn giải quyết tình cảnh đói nghèo tại quê nhà. Sau một thời gian ở Pháp, ông trở lại Ấn Độ thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên, lần thử nghiệm đầu tiên của ông thất bại vì quên một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là đánh giá thị trường. Đến năm 1981, ông quyết tâm làm lại, thành lập Infosys với số vốn 250 USD nhắm vào thị trường dịch vụ phần mềm, một thị trường mà theo ông là sẽ có nhu cầu rất lớn để thực hiện ước mơ tạo việc làm, giải quyết đói nghèo cho Ấn Độ.

Cũng liên quan đến câu chuyện khởi nghiệp, Narayana Murthy cho rằng Infosys và FPT có điểm chung khi đều là các doanh nghiệp khởi nghiệp, những người mơ mộng và làm việc chăm chỉ để biến ý tưởng đó thành hiện thực. “Robert Kennedy từng nói ‘hầu hết mọi người nhìn sự vật như chúng vốn có và tự hỏi tại sao’, còn tôi mơ về những thứ chưa từng có và nói tại sao không”, vị tỷ phú chia sẻ, nói thêm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình cũng tương tự khi thấy ý tưởng hay và nghĩ tại sao không biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Chia sẻ thêm về bí quyết lãnh đạo doanh nghiệp thành công, ông Murthy cho rằng, tại nơi làm việc, lãnh đạo và nhân viên không phải bạn bè nhưng ngay khi rời khỏi văn phòng, chúng ta là bạn bè.

Mặt khác, sự tôn trọng từ khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, có sự tin cậy từ khách hàng, công ty sẽ thu hút nhân viên từ doanh nghiệp khác. “Muốn đầu tư dài hạn, doanh nghiệp cần đạt được điều này”, ông Murthy nói.

Ở một góc nhìn khác, nếu muốn Chính phủ tin cậy, doanh nghiệp cũng phải trở thành một trong những doanh nghiệp được tôn trọng nhất.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Infosys, nhà sáng lập Infosys Narayana Murthy cho rằng, để thành công doanh nghiệp cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng đó là bán hàng, kiểm soát tài chính và nhân lực. Nếu chúng ta không bán được hàng thì công ty sẽ không có doanh thu mà không có doanh thu thì công ty không thể hoạt động.

Khi có doanh thu thì phải đảm bảo mọi chi phí đều được kiểm soát. Thực tế, không ít tập đoàn có lợi nhuận nhưng chi phí gia tăng, thất thoát dẫn đến thua lỗ. Kiểm soát tài chính đóng vai trò quan trọng, chúng ta phải đảm bảo chi phí thỏa đáng, được minh chứng phù hợp với hoạt động kinh doanh. “Chi phí phải ít hơn thứ chúng ta kiếm được”, ông nhấn mạnh.

Về nhân sự, ông cho rằng doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, trao quyền, để nhân viên cảm nhận được hạnh phúc: mang lại sự tự do cho nhân viên, đánh giá họ, thưởng cho họ, từ đó giữ được những tài năng tốt nhất.”Kinh nghiệm của tôi không phải tiền là quan trọng nhất mà nhân sự muốn sự tôn trọng, đánh giá đúng năng lực của họ”, ông nói.

Narayana Murthy trở thành huyền thoại công nghệ thông tin và được ví như Bill Gates của Ấn Độ khi đưa Infosys từ công ty vô danh thành biểu tượng của ngành phần mềm nước này. Năm 1999, Infosys là công ty đầu tiên của Ấn Độ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq. Năm 2023, công ty đạt doanh thu trên 18 tỷ USD, có 320.00 nhân viên, hiện diện tại 50 quốc gia trên toàn cầu và giá trị thị trường đạt trên 70 tỷ USD.

Theo thống kê năm 2023 của Forbes, Murthy sở hữu khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, xếp thứ 711 trong số những người giàu nhất hành tinh.

Nguồn: VNEXPRESS

Bạn có muốn tham khảo thêm: Động lực tăng trưởng của viễn thông


Có thể bạn thích