Thương mại điện tử Việt nam càng ngày càng đi lên

Đăng ngày06/06/2024- bởi Sim Doanh Nhân

Đạt quy mô hơn 20 tỷ USD trong năm 2023 và duy trì tốc độ tăng trưởng kép trên 17%/năm từ 2019 đến nay, hoạt động thương mại điện tử đang cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng bất chấp việc nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kể từ sau đại dịch Covid-19.

Thương mại điện tử Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng

Khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) nhờ vào sự tăng trưởng của internet và điện thoại di động, cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Đông Nam Á dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 100 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, TMĐT góp phần quan trọng với sự phát triển mạnh mẽ ở các thị trường lớn như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Trước Covid-19, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đã rất ấn tượng với tổng giá trị giao dịch (GMV) đạt khoảng 10,8 tỷ USD vào năm 2019. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển này khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn do giãn cách xã hội. Trong bối cảnh này, TMĐT Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Từ năm 2019 đến 2023, GMV của TMĐT Việt Nam tăng từ 10,8 tỷ USD lên 20,5 tỷ USD, tương đương với  tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) là 17,38%.

Dự báo đến năm 2025, quy mô GMV của TMĐT có thể đạt khoảng 24 tỷ USD. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dẫn nguồn từ Statista, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến, đặc biệt là các ngành hàng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng và đồ công nghệ với giá trị mua sắm bình quân mỗi người đã vượt mức 300 USD.

Doanh thu từ TMĐT chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong doanh thu bán lẻ, với tỷ lệ đạt 8% vào năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, như Trung Quốc (45,9%) và Hàn Quốc (32,2%).

Về nền tảng TMĐT, theo Metric, top 5 sàn TMĐT đang chiếm khoảng một nửa thị phần GMV toàn ngành TMĐT B2C (B2C là mô hình kinh doanh mà trong đó, doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho khách hàng) là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo. Đáng chú ý là TikTok Shop, mặc dù chỉ mới tham gia thị trường từ giữa 2022 nhưng đến quý II.2023, GMV của TikTok Shop đã vượt Lazada để trở thành nền tảng TMĐT lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Shopee. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã có hơn 95 nghìn nhà bán mới trên sàn TikTok Shop.

Shoppertainment – xu hướng mới thúc đẩy sự phát triển của TMĐT

Cùng với sự tham gia của Tiktok Shop, xu hướng shoppertainment cũng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và hứa hẹn sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của TMĐT.

Shoppertainment là sự kết hợp giữa mua sắm (shopping) và giải trí (entertainment), mang lại trải nghiệm mua sắm tương tác và thú vị cho người tiêu dùng. Livestream, một trong những hình thức phổ biến của shoppertainment, cho phép người bán trực tiếp tương tác với khách hàng thông qua video trực tuyến, thúc đẩy quyết định mua hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Một nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng của Cốc Cốc cho thấy 27% người xem livestream đã mua sản phẩm trong khi xem. Ngoài ra 50% người xem có hành vi tương tác (bấm thích, thả icon hoặc bình luận), 50% có hành vi thêm sản phẩm vào giỏ hàng.

Tại thị trường Việt Nam, hình thức bán hàng qua livestream bắt đầu phát triển mạnh từ 2023 và nhanh chóng trở thành một phần của chiến lược bán hàng đa kênh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn trong, ngoài nước cũng tận dụng xu hướng mới này để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và bán hàng như Vinfast, Thế giới Di động, Unilever, L’Oréal…

Cơ hội và thách thức cho TMĐT

Mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, thị trường TMĐT ở Việt Nam vẫn đang phát triển chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và một vài địa phương lân cận. Trong đó khoảng 80% doanh thu của các sàn TMĐT đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Việc mở rộng hoạt động TMĐT ra các tỉnh thành khác tương đối khó khăn, một phần đến từ hệ thống logistics không đồng bộ, thiếu các dịch vụ chuyển phát hay vận chuyển hàng hóa ở các địa phương dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao.

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến pháp lý và quản lý cũng là một yếu tố cần tiếp tục hoàn thiện làm cơ sở để thúc đẩy hoạt động TMĐT, trong đó trọng tâm là các quy định liên quan đến quản lý thuế và bảo vệ người tiêu dùng. Trên tinh thần Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, một số điều chỉnh quy định pháp luật đã được bổ sung, sửa đổi bao gồm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên việc áp dụng trên thực tế vẫn gặp nhiều hạn chế và cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi.

Nhìn chung, TMĐT tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế với độ phủ internet cao, sự phổ biến của điện thoại thông minh cùng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó là sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ với kế hoạch đưa TMĐT trở thành một phần quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. 

Nguồn: Tạp Chí Điện Tử Người Đô Thị 

Ngành thương mại điện tử càng  ngày càng được đà phát triển. Vậy cùng đọc thêm các bài báo về ngành này nhé: Thương mại điện tử tăng trưởng như nào


Có thể bạn thích