Nâng cấp hạ tầng viễn thông và lộ trình tắt 2G

Đăng ngày10/06/2024- bởi Sim Doanh Nhân

Tháng 9 tới đây là thời điểm điện thoại “cục gạch” với chức năng nghe, gọi, nhắn tin sử dụng công nghệ 2G bị loại khỏi môi trường viễn thông quốc gia. Theo đó, việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật ở những vùng sóng yếu, đông dân cư, hỗ trợ khách hàng chuyển sang dùng thiết bị di động công nghệ 4G, 5G đang được các doanh nghiệp (DN) viễn thông trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai.  

Tăng vùng phủ sóng 4G

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện tắt sóng 2G vào năm 2010. Đến tháng 5/2024, có hơn 100 quốc gia đã tắt sóng 2G để triển khai các mạng di động khác. Tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà mạng đều nhận định, việc loại bỏ điện thoại “cục gạch” sử dụng công nghệ 2G chỉ có chức năng đơn giản nghe, nói, nhắn tin là cần thiết để hướng người dân tham gia môi trường số hóa hiện đại, thông minh trên nền tảng công nghệ 4G, 5G. Hòa cùng xu thế phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch chậm nhất vào tháng 9/2024 sẽ dừng công nghệ 2G tại Việt Nam. Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu đến năm 2025, Bắc Giang sẽ phổ cập mạng 4G, 5G và điện thoại thông minh.

Để chủ trương sớm đi vào cuộc sống, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông tăng cường bổ sung cơ sở hạ tầng thu phát sóng 4G, 5G, từng bước thay thế nền tảng công nghệ cũ không còn phù hợp. Toàn tỉnh có khoảng 1,9 triệu thuê bao di dộng đang sử dụng dịch vụ của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone… Đa số khách hàng hài lòng với chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, vẫn có một số vùng lõm sóng, sóng 4G yếu thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi đông dân cư ở ven các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới khiến khách hàng khó truy cập thông tin.

Khắc phục tình trạng đó, từ đầu năm đến nay, các nhà mạng tập trung bổ sung trang thiết bị, máy móc, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu phát sóng 4G. Điều này có thể thấy rõ tại xã Tiền Phong (Yên Dũng). Đây là vùng đông dân cư, bao gồm người dân địa phương và hàng nghìn công nhân lao động các khu công nghiệp ở trọ, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Ninh, ở thôn An Thịnh chia sẻ: “Từ khi mạng internet ổn định, tôi dễ dàng đọc báo để nắm bắt thông tin, nghe nhạc giải trí mà không bị chập chờn, gián đoạn như trước”. Tương tự, tại huyện Yên Thế, những điểm từng bị lõm sóng, sóng yếu như bản Hố Tre, xã Tam Tiến; thôn Ao Gáo, xã Đồng Hưu hay như một số thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Lục Ngạn, TP Bắc Giang cũng được nâng cấp hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng 4G.

Trung tá Vũ Xuân Hoàn, Giám đốc Viettel Bắc Giang cho biết: “Từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã lắp đặt hạ tầng, phát sóng mới tại hơn 100 trạm BTS; qua đó nâng cao chất lượng sử dụng mạng internet cho khoảng 45 nghìn người sử dụng, đưa tỷ lệ hạ tầng di động phủ sóng 4G đến với 94% dân số. Nhằm đạt mục tiêu đến tháng 9/2024 vùng phủ 4G tương đương vùng phủ 2G hiện tại, tỷ lệ bao phủ đến 99% dân số, Viettel Bắc Giang đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tiếp theo”. Cùng với Viettel Bắc Giang, hiện nay các DN viễn thông khác chủ động tắt các trạm thu phát sóng 2G riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Cam kết đến tháng 9/2024 hoàn thành chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G sang sử dụng thiết bị ứng dụng công nghệ 4G, 5G.

Toàn tỉnh có 1.684 vị trí cột ăng ten thu phát sóng di động, tăng 139 cột so với năm 2021. Cùng đó, duy trì hoạt động của 3.812 trạm thu phát sóng di động 2G, 3G, 4G, 5G; trong đó 884 trạm thu phát sóng 2G cần xóa bỏ. Trong xu hướng phát triển đến năm 2023, các DN viễn thông sẽ bổ sung thêm vị trí cột ăng ten tăng gấp 2 lần, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để phát sóng 4G, 5G, từng bước giảm dần và tắt hẳn sóng 2G, 3G.

Giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ

Cuối tháng 12/2023, cả nước vẫn còn khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G. Tại Bắc Giang, tổng số thuê bao di động dùng công nghệ 2G để nghe, gọi, nhắn tin (không phải máy smartphone) là 132 nghìn. Trong đó, Viettel chiếm số lượng thuê bao đông nhất là 103 nghìn, Vinaphone 28 nghìn và MobiFone là 1,2 nghìn.

Nhằm hướng tới mục tiêu đưa người dân tham gia vào môi trường số, cùng với giải pháp nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, các DN có nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng tiếp cận dịch vụ. Trong đó, hằng tháng, Viettel Bắc Giang tổ chức lực lượng đến từng xã, thôn tư vấn, hỗ trợ khách hàng tiếp cận dịch vụ viễn thông thông minh, hiện đại hơn. DN áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ như: Tặng máy 4G miễn phí dành kèm gói cước cam kết, 28Gb data sử dụng 4G tốc độ cao, 7 ngày gọi nội mạng miễn phí, 1 năm xem ứng dụng TV360 không tốn data.

Đối với thiết bị di động, DN áp dụng trợ giá tới 50% một số dòng máy cảm ứng 4G chỉ từ 890 nghìn đồng; đưa ra thị trường các dòng máy mới giá rẻ chỉ từ 390 nghìn đồng để khách hàng thu nhập thấp có thể tiếp cận dịch vụ ưu đãi. Ngoài ra còn nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ khách hàng tham gia chuyển đổi từ máy 2G lên máy 4G với tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng. Kết quả từ đầu năm đến nay, các chi nhánh, cửa hàng, đại lý của Viettel đã hỗ trợ gần 20 nghìn khách hàng chuyển dịch từ 2G sang 4G.

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để từng bước “phổ cập” mạng 4G, 5G và điện thoại thông minh, rất cần sự tham gia từ nhiều phía, bao gồm chính quyền, DN và cả người dân sử dụng dịch vụ. Do vậy, cùng với các DN viễn thông di động đẩy mạnh tiến độ dừng công nghệ 2G, tắt dần các trạm 2G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp, nâng cấp hạ tầng 4G, 5G, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ về xu thế phát triển, sẵn sàng tham gia vào môi trường số, từ đó đẩy nhanh tiến độ phổ cập điện thoại thông minh, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Bắc Giang 

Tắt sóng 2G là lợi ích giúp cho khách hàng về sau. Để đọc thêm bài viết truy cập: Tắt sóng 2G quyền lợi cho khách hàng 

 


Có thể bạn thích