Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam ngày càng tăng trưởng

Đăng ngày24/05/2024- bởi Sim Doanh Nhân

“Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam ngày càng tăng trưởng” Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương – chia sẻ tại hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 với chủ đề “Tinh hoa hàng Việt – Cất cánh toàn cầu”, sáng 22/5 tại Hà Nội.

Việt Nam lọt top các nước tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới

Theo bà Huyền, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.400 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp có sự phát triển mạnh nhờ những cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo bà Huyền, trên thực tế, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp ở phía Bắc, gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực về phát triển thương mại điện tử, thiếu thông tin thị trường, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Gijae Song – Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam – cho biết, số doanh nghiệp Việt tham gia thương mại điện tử, mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra tăng trưởng rất nhanh chóng. Trong 5 năm qua, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đăng ký qua Amazon tăng hơn 35 lần. Số lượng sản phẩm bán ra cũng tăng hơn 300%. Cùng đó, số lượng đối tác bán hàng VIệt Nam đạt doanh thu trên 1 triệu USD/năm cũng tăng gần 10 lần.Ông Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho rằng, thời gian qua, công nghiệp gỗ VIệt Nam phải dựa vào một số yếu tố như: Nhân công giá rẻ, rừng trồng có sẵn trong khi năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu rất kém. Việc tham gia thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Để phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải thích ứng trong môi trường cạnh tranh mới.

Về việc chuyển đổi sang kinh doanh thương mại điện tử trực tuyến của các doanh nghiệp trong ngành, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dệt may là ngành phát triển rất nhanh. Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đã tăng 7% so với 2023, đạt kim ngạch 12 tỷ USD. Dù vậy, các thương hiệu Việt vẫn còn ít tên tuổi xuất hiện trong bản đồ dệt may thế giới. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp.

“Để thương hiệu dệt may Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới, các doanh nghiệp dệt may Việt phải thay đổi nhiều, cả về phương thức xuất khẩu cũng như tăng cường chuyển sang thiết kế”, ông Cẩm nói.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt không thể mang tư duy kinh doanh ngắn hạn, tiểu xảo, chụp giật vì rất dễ bị tuýt còi. Việc kinh doanh bài bản, có chiến lược đi kèm bảo vệ thương hiệu sẽ là con đường tốt nhất để gắn kết, mở rộng khách hàng trong kinh doanh.

Nguồn: Tiền Phong

Trên đây là bài viết mới , hy vọng sẽ sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích. Để đọc thêm bài viết mới mỗi ngày truy cập ngay: Tin Tức 

 


Có thể bạn thích