Lộ trình thương mại hóa 5G ngay trong năm 2024 của các nhà mạng đang gặp nhiều cản trở.
Triển khai càng sớm càng tốt
Ông Pekka Lundmark, Tổng giám đốc Nokia toàn cầu cho biết, nhiều quốc gia đã thương mại hóa 5G. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội triển khai 5G trực tiếp với công nghệ mới nhất. Đây là một lợi thế vì có thể bắt đầu sử dụng 5G để phát triển các trường hợp sử dụng (use case) mới.
“Việt Nam nên nhanh chóng triển khai ứng dụng 5G không chỉ cho dịch vụ viễn thông di động thông thường, mà cần cho mô hình ứng dụng mới trong doanh nghiệp và nhiều ngành khác. Để làm được điều đó, song hành với phần hạ tầng vô tuyến, cũng cần nâng cấp phần mạng lõi viễn thông, nhanh chóng chuyển sang 5G Standalone (5G độc lập, tách bạch hoàn toàn hệ với hệ thống mạng 4G). Việc này sẽ cho phép lập trình mạng và cho phép tạo ra hạ tầng để triển khai các mô hình ứng dụng mới”, ông Pekka Lundmark khuyến nghị.
Bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam cũng nhận định, thương mại hóa 5G sẽ mang lại nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng. 5G thực sự sẽ là nền tảng để khai thác tiềm năng của các ngành công nghiệp.
“Ngoài việc có được phân khúc khách hàng mới và doanh thu bổ sung, chúng tôi còn thấy trước những lợi ích đáng kể từ 5G trong việc giảm chi phí vận hành hiện tại cho các nhà mạng. Ví dụ, với công nghệ 5G, mạng có thể xử lý công suất gấp 10 lần, đồng thời giảm 30% mức tiêu thụ năng lượng. Khi lưu lượng dữ liệu tiếp tục tăng nhanh ở Việt Nam, 5G sẽ đáp ứng được nhu cầu này và giúp giảm đáng kể chi phí tiêu thụ năng lượng”, bà Rita Mokbel nói.
Theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng sau khi được cấp phép sẽ sớm phủ sóng 5G tới các khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, khu công nghiệp có nhu cầu ứng dụng; đến năm 2025, cơ bản phủ sóng 5G tại các tỉnh, thành phố, với 5% dân số được phủ sóng và đến năm 2030 có 100% dân số được phủ sóng 5G.
Tuy nhiên, dù là nước thuộc nhóm tiên phong thử nghiệm 5G, nhưng đến nay, Việt Nam lại chậm chân thương mại hóa 5G.
Liên quan vấn đề thương mại hóa 5G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, 5G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức cấp phép triển khai từ ngày 11/4/2024. Hai nhà mạng là Viettel, VNPT đã nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, giấy phép sử dụng băng tần 5G. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép chỉ là một trong các điều kiện thương mại hóa 5G. Đầu tư hạ tầng mạng viễn thông 5G là vấn đề cần giải quyết để các nhà mạng có thể chính thức cung cấp dịch vụ trên toàn quốc.
“Ở thời điểm cấp giấy phép, các nhà mạng cam kết triển khai mạng viễn thông và chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông muộn nhất 1 năm sau khi được cấp giấy phép; đầu tư 3.000 trạm theo nội dung yêu cầu cam kết sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép”, ông Nhã cho hay.
Điều gì cản trở nhà mạng?
Nhà mạng lớn nhất là Viettel hiện mới có 50.000 trạm BTS. Số lượng trạm này chưa đảm bảo chất lượng cho di động, nhất là 5G. Một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu vào trong nhà, tốc độ cao, thì cứ mỗi 1.000 dân phải có một trạm phát sóng. Như vậy, việc tăng thêm 40.000-50.000 vị trí phát sóng mới là một thách thức lớn cho Viettel.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ (Tập đoàn Viettel), đơn vị này gặp phải một số thách thức lớn trong việc triển khai mạng 5G. Đầu tiên là thách thức về việc triển khai hạ tầng vật lý mạng 5G. Hạ tầng điện và cột anten đã đến giới hạn. Trong khi đó, 5G làm tăng tải trọng cột anten và công suất tiêu thụ của trạm. Viettel đã mất 5 năm cải tạo cột anten và nguồn điện để sẵn sàng cho 5G.
Còn đối với MobiFone, vấn đề hiện tại là tần số 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đấu giá khối băng tần C3 cho 5G sớm, trước ngày 10/7. MobiFone cho biết, đã sẵn sàng tham gia đấu thầu khối băng tần C3 và chuẩn bị triển khai mạng 5G.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone khẳng định, khi có tần số, MobiFone sẽ phát sóng thử nghiệm thương mại, sau đó thực hiện các dự án 5G, thiết bị và dự kiến tháng 2/2025 sẽ công bố dịch vụ 5G. Các dịch vụ dự kiến cung cấp pha đầu gồm: các dịch vụ trên nền tảng công nghệ eMBB (gói cước tốc độ cao, video OTT…) và công nghệ NSA (non-standalone), dịch vụ truy cập vô tuyến cố định (fixed wireless access – FWA). Các dịch vụ cung cấp pha tiếp theo là B2C (cloud phone, new calling, cloud gaming), B2B (du lịch thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, cảng biển thông minh, khai thác thông minh) theo định hướng kết hợp công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.
MobiFone đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông có thể chia sẻ hạ tầng mạng 5G tích cực với giải pháp MOCN (chia sẻ chung tần số để phát triển mạng 5G). Giải pháp này có thể giúp giảm 30 – 40% chi phí đầu tư và vận hành khai thác mạng 5G.
Trong khi đó, VNPT cho biết, nhà mạng đã triển khai 5G tại 16 tỉnh, thành phố, phục vụ khách hàng ở những khu vực trung tâm và đang lên kế hoạch triển khai 5G trên toàn quốc.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT thông tin, sau khi được cấp giấy phép 5G, VNPT làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng. VNPT dự định nâng cấp hệ thống truyền dẫn, đồng thời đầu tư 1.000 trạm 5G mới trong năm 2024.
“VNPT chắc chắn làm 5G và sẽ triển khai như cam kết và theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Song chúng tôi cũng sẽ phải tính toán căn cơ để bảo đảm việc kinh doanh dịch vụ này. Vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G là phương án kinh doanh hiệu quả, chứ không phải tần số hay hạ tầng”, ông Thái chia sẻ.
Nguồn: Đầu Tư Online
Thương mại hóa 5G đang được nhiều người đón chờ và luôn cập nhập tin tức mỗi ngày. Các nhà mạng hiện nay đang: Tăng tốc việc thương mại hóa 5G